Hoạt động thường xuyên Viện_Địa_lý_(Việt_Nam)

Nghiên cứu, ứng dụng triển khai các đề tài Khoa học - Công nghệ: Tập trung vào các hướng nghiên cứu phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo. Hiện nay các cán bộ của Viện đang tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ trong các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước như:

  • Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển Kinh tế và Xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3)
  • Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 (KC 08/11-15, KC 09/11-15...)
  • Chương trình Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu

Từ các kết quả nghiên cứu trên, nhiều sản phẩm của đề tài đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong nghiên cứu KHCN trong việc quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng tránh thiên tai, ổn định đời sống của các địa phương.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN:

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao các công nghệ mới, cập nhật thông tin, đào tạo cán bộ và tranh thủ sự giúp đỡ đa dạng của các nhà khoa học quốc tế đối với Việt Nam, Viện đã coi hợp tác quốc tế với các cơ sở nghiên cứu bên ngoài nước là mũi nhọn hàng đầu. Viện đã và đang duy trì, phát triển nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu KHCN với các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ quốc tế như CHLB Đức, Vương Quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, CHLB Nga, CH Ucraina, Ấn Độ, Trung Quốc... và các nước trong khu vực Đông Nam Á (Lào, Campuchia...). Hàng năm, hàng chục lượt cán bộ khoa học đã đi trao đổi KHCN và nhiều cán bộ khoa học trẻ được gửi đi đào tạo.

Viện Địa lý đã phối hợp cùng các tổ chức quốc tế tổ chức thành công các Hội nghị khoa học, thường xuyên – tăng cường hội nhập và nâng cao uy tín cho khoa học Địa lý Việt Nam.

Công tác đào tạo:

Đào tạo sau đại học:Viện Địa lý là cơ sở đào tạo sau đại học đã có quá trình trên 15 năm (1995), có uy tín và chất lượng cao trong đào tạo ở nhiều chuyên ngành địa lý như Địa lý Tài nguyên và môi trường, địa lý tự nhiên, thủy văn học, địa mạo cổ địa lý. Đến nay cơ sở đào tạo trình độ Tiến sĩ của Viện đã được Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận là một trong những cơ sở đào tạo đủ tiêu chuẩn trong Đề án 911.

Nhiều cán bộ của Viện đang được mời tham gia giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh…) và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Đào tạo chuyển giao công nghệ: Trong khuôn khổ các đề tài, dự án, Viện đã phối hợp cùng với các chủ nhiệm đề tài, dự án tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn sử dụng các công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của các cán bộ của các ngành, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam:

Sử dụng mô hình thủy văn thủy lực trong việc phòng tránh thiên tai (lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán...)

Sử dụng cơ sở dữ liệu GIS trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai...